image banner

anh tin bai





anh tin bai

anh tin bai
anh tin bai
anh tin bai

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024: Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là trọng tâm
Lượt xem: 56

Với chủ đề: “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới”, Tháng hành động vì ATTP năm 2024 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5-2024 nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao; các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

 Sản phẩm nước mắm Ninh Cơ của Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Sản phẩm nước mắm Ninh Cơ của Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Toàn tỉnh có 18.598 cơ sở thực phẩm. Ngành Y tế quản lý 6.187 cơ sở (chiếm 33,3%), trong đó 1.664 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 911 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 3.612 cơ sở dịch vụ ăn uống. Ngành Công Thương quản lý 2.350 cơ sở (chiếm 12,6%). Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) quản lý 10.061 cơ sở (chiếm 54,1%). 

Năm 2023 và quý I năm 2024, toàn tỉnh thành lập 971 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP; thanh, kiểm tra 7.038 cơ sở, xử phạt 227 cơ sở, tổng số tiền phạt 574 triệu đồng. Đồng chí Khương Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hành vi vi phạm chủ yếu là không có đủ dụng cụ sử dụng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm đã qua chế biến, nơi chế biến có côn trùng, động vật gây hại; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay; kinh doanh hàng hóa thực phẩm nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; không niêm yết giá; không thực hiện kiểm thực 3 bước; cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến thực phẩm không được che kín; sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng; không có giá kệ; dụng cụ thu gom rác thải không có nắp đậy. Hàng hóa vi phạm, tịch thu, tiêu hủy chủ yếu là các sản phẩm từ động vật không đảm bảo ATTP và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nước uống, mì tôm, chai nước chấm hải sản không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng… Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh ATTP đã góp phần phòng ngừa và răn đe; nhiều sản phẩm hàng hóa vi phạm, mất an toàn đã được tịch thu tiêu hủy nhằm không để thực phẩm bẩn đến tay người tiêu dùng, đã thực hiện công khai các trường hợp vi phạm để cảnh báo cộng đồng.

Toàn tỉnh có 742 bếp ăn tập thể (trên 200 nghìn suất ăn), trong đó 587 bếp ăn trường học (trên 134 nghìn suất ăn tại 228 trường học), 155 bếp ăn doanh nghiệp (trên 60 nghìn suất ăn). Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành tổ chức tập huấn kiến thức ATTP cho 2.450 cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường trên địa bàn tỉnh. Triển khai tập huấn kiến thức ATTP cho các cán bộ quản lý, giáo viên phụ trách nuôi ăn bán trú, chủ cơ sở, người trực tiếp chế biến thực phẩm, người cung ứng thực phẩm tại các trường tham gia mô hình đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Tập huấn công tác đảm bảo ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm cho đội ngũ y tế thôn, xóm. Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh đã tổ chức kiểm tra tại 47 trường, gồm 30 trường mầm non, 1 nhóm trẻ tư thục, 14 trường tiểu học và 2 trường THCS. “Qua kiểm tra cho thấy, các bếp ăn tại trường học đều có ý thức thực hiện các quy định về vệ sinh ATTP. Các trường học đều có quyết định thành lập bếp ăn bán trú, thành lập Ban Vệ sinh ATTP, tổ giám sát vệ sinh ATTP và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. 100% các trường mầm non tự nấu ăn bán trú; các trường tiểu học và THCS đều ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các đơn vị có đủ năng lực cung cấp dịch vụ ăn uống...” - Đồng chí Hoàng Vũ Lợi, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) thông tin.

Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về vệ sinh ATTP vẫn còn những “điểm nghẽn”. Sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác quản lý ATTP chưa thật sự chặt chẽ, thường xuyên; sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể trong giám sát, tuyên truyền, vận động, phát hiện, tố giác vi phạm ATTP còn hạn chế. Công tác quản lý Nhà nước về ATTP tại một số xã, phường, thị trấn còn yếu, đặc biệt là quản lý sử dụng hoá chất trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm đối với đối tượng sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ, kinh doanh thức ăn đường phố, ATTP tại các chợ; việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP... hiệu quả chưa cao. Xử lý vi phạm về ATTP còn khiêm tốn, nhất là tại tuyến huyện, xã.

Theo Đại tá Chu Văn Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Các cơ quan quản lý Nhà nước thường tập trung vào những cơ sở sản xuất, chế biến lương thực lớn mà ít quan tâm đến các cơ sở nhỏ, nhất là cơ sở thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP, trong khi chế tài biện pháp xử lý ở những cơ sở này khó áp dụng trong thực tế. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm còn hạn chế, không ít người sẵn sàng đánh đổi sức khỏe người tiêu dùng vì lợi nhuận. Năm 2023, Công an tỉnh đã khởi tố 1 vụ (1 đối tượng) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tịch thu hơn 117kg bột nêm và mỳ chính không rõ nguồn gốc, 680 vỏ bao bì nhãn hiệu Knorr, 2.000 vỏ bao bì nhãn hiệu Ajinomoto. Phát hiện và xử lý 60 vụ trong lĩnh vực ATTP với số tiền xử phạt hơn 228 triệu đồng. Quý I năm 2024, xử phạt gần 100 triệu đồng đối với 16 vụ vi phạm ATTP.

Ngành Công Thương quản lý 2.350 cơ sở kinh doanh các mặt hàng, bao đóng gói lĩnh vực ATTP. Đồng chí Đặng Ngọc Rung, Phó Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: Hiện nay, các chợ được triển khai xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu. Nguyên nhân do nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng các quầy hàng kinh doanh đảm bảo vệ sinh ATTP chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, nguồn huy động xã hội hóa công tác bảo đảm vệ sinh ATTP còn khó khăn. Công tác thẩm định cơ sở đủ điều kiện ATTP vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn do chưa có máy móc, thiết bị phục vụ. Hệ thống văn bản pháp luật về ATTP nhiều và thay đổi liên tục nên công tác cập nhật văn bản, triển khai các nội dung tại cấp huyện, xã còn chậm và khó khăn do cán bộ kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực. Tại các địa phương, đặc biệt là tuyến xã, chưa quan tâm đầu tư công tác bảo đảm ATTP, thiếu tính chủ động cho các hoạt động phối hợp, công tác kiểm tra, giám sát ở cấp xã chưa thực sự hiệu quả, chưa có xử lý vi phạm.

Đồng chí Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT nêu thực trạng: Hiện, công tác đảm bảo ATTP lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các địa phương theo phân công, phân cấp tại Quyết định 44/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định phân công, phân cấp cơ quan thẩm định, cơ quan quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN và PTNT trên địa bàn tỉnh khá lúng túng, đặc biệt là về quản lý, kiểm soát các cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở nhỏ lẻ không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP còn chưa triệt để. Các cơ sở chậm đổi mới phương thức sản xuất, chưa chú trọng phát triển liên kết và đầu tư chế biến sâu; chưa có nhiều doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế tham gia làm nòng cốt phát triển các chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; các liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, sức cạnh tranh không cao. Việc đầu tư cơ sở giết mổ tập trung chưa được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư do hiệu quả không cao (mới có 1 cơ sở giết mổ lợn sữa tập trung). Hầu hết cơ sở giết mổ là các điểm giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác trong khu dân cư, phục vụ tiêu thụ nội địa, nên công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực, vật lực phân bổ cho công tác quản lý ATTP chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là công tác thanh, kiểm tra, giám sát ATTP.

Trên cơ sở Kế hoạch 59/KH-UBND ngày 8-4-2024 của UBND tỉnh về triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2024, các ngành, các huyện, thành phố xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện. Các ngành: Y tế, NN và PTNT, Công Thương được giao quản lý Nhà nước về ATTP thường xuyên phối hợp chặt chẽ để làm tốt công tác quản lý Nhà nước theo phân công; Tập trung hoàn thiện, đổi mới, hướng dẫn, nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm ATTP; tổ chức kiểm tra công tác quản lý ATTP tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Ngành NN và PTNT tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi gắn liền với bảo vệ môi trường. Tiếp tục phát triển chuỗi thực phẩm an toàn. Phối hợp với Hội Nông dân đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn cho nông sản. Ngành Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành nhân rộng mô hình chuỗi kinh doanh thực phẩm có kiểm soát, giảm dần tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng ở các chợ dân sinh, chợ tự phát, chợ cóc, chợ tạm, tăng dần tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng trong các siêu thị, chợ có kiểm soát ATTP. Công an, Quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra, giám sát, ngăn chặn thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, nhất là tại các địa bàn, tuyến trọng điểm.

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp trong quản lý doanh nghiệp đối với ATTP, nhất là những doanh nghiệp có bếp ăn tập thể; thành lập tổ tự quản để giám sát hàng ngày. Đối với doanh nghiệp không có bếp ăn, vận động doanh nghiệp xây bếp ăn, không nhận dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn từ ngoài mang vào, khó kiểm soát về ATTP, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm rất cao. UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát về bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể ở cụm công nghiệp, trường học trên địa bàn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng các hoạt động bảo đảm ATTP trong Tháng hành động; phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi và các sự cố về ATTP; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Tăng cường triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo đảm ATTP gắn với phong trào thi đua trong các tổ chức chính trị - xã hội; phổ biến kiến thức, hướng dẫn thực hành đúng cho nhân dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về liên kết sản xuất đảm bảo ATTP theo chuỗi./.

Bài và ảnh: Việt Thắng (Báo Nam Định)

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Cơ quan chủ quản: UBND XÃ VĨNH HÀO
Địa chỉ : UBND Xã Vĩnh Hào - huyện Vụ Bản - tỉnh Nam Định
Email: xavinhhao.vbn@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang